Thực hiện kế hoạch chuyên môn năm học 2018 – 2019 của trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng, ngay từ đầu tháng 9, các giáo viên khối 2 đã tổ chức các tiết sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học qua các tiết chuyên đề nhằm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm cho giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.
Các tiết chuyên đề được tất cả thành viên trong tổ cùng nhau xây dựng. Tất cả các giáo viên đều tham gia chia sẻ suy nghĩ của mình, thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng tiết dạy, theo 4 bước:
Bước 1: Xác định mục tiêu, chọn bài học nghiên cứu, xây dựng giáo án. Phân công giáo viên thực hiện.
Vì ở lớp 2, Luyện từ và câu là phân môn mới nên học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, bỡ ngỡ trong cách học, cách ghi chép bài vở. Với môn Toán, học sinh cũng bắt đầu làm quen với những kiến thức toán về các thành phần của phép tính, tính cộng, trừ có nhớ trong bảng, các dạng toán lời văn,...Vì vậy, cả khối đã lựa chọn xây dựng hai tiết chuyên đề Luyện từ - câu và chuyên đề Toán để giáo viên trong khối có định hướng và nắm bắt tốt cách dạy hai môn học này nhất là những giáo viên trẻ. Các đồng chí giáo viên trong khối cùng nhau xây dựng quy trình, nghiên cứu mục tiêu bài học, đưa ra những phương pháp, hình thức tổ chức, các hoạt động và những ứng dụng công nghệ thông tin áp dụng vào tiết dạy nhằm mục đích tiết dạy đạt hiệu quả cao nhất.
Bước 2: Tiến hành dạy bài học (bài giảng minh họa) và dự giờ.
Đại diện cho khối thực hiện hai tiết chuyên đề là đồng chí Đinh Thị Điều, phân môn Luyện từ và câu bài “Từ và câu” và đồng chí Cao Thị Phượng, môn Toán bài “Số bị trừ - Số trừ - Hiệu”. Dự giờ các tiết dạy có các đồng chs trong Ban giám hiệu, đồng chí Ngô Thị Thu Ánh - phó hiệu trưởng và toàn thể giáo viên trong khối.
Bước 3: Thảo luận về bài giảng minh họa.
Sau khi dự giờ, các giáo viên trong khối đã trao đổi ý kiến nhận xét những ưu điểm của tiết dạy cũng như một số điểm cần thay đổi cho phù hợp với nhận thức, khả năng hoạt động của học sinh. Cả hai tiết có ưu điểm đều chuẩn bị rất chu đáo, sử dụng công nghệ thông tin có hiệu quả. Đặc biệt, đã thể hiện đúng tiến trình tiết dạy mà các đồng chí trong tổ đã xây dựng.
Ở tiết Luyện từ và câu, đồng chí Đinh Thị Điều đã có một tiết dạy hấp dẫn nhờ khéo léo tổ chức cho học sinh hoạt động nhóm, gợi mở dẫn dắt từ kênh hình đến kênh chữ để tìm hiểu được thế nào là từ, từ dùng để làm gì? Sau những trao đổi thảo luận tích cực của học sinh, cô giáo tổng hợp, chốt lại kiến thức của bài qua sơ đồ tư duy giúp học sinh dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ. Tiết học sâu kiến thức và diễn ra nhẹ nhàng.
Trong tiết Toán, cô giáo Cao Thị Phượng đã tìm hiểu và vận dụng xây dựng tiết học trên bảng tương tác thông minh gây hứng thú học tập cho học sinh. Ưu điểm của tiết dạy là kiến thức được truyền tải dễ hiểu, rõ ràng, rành mạch, làm cho học sinh hứng thú,tích cực tham gia vào bài học, ứng dụng làm được bài tập. Sau mỗi hoạt động, giáo viên có chốt kiến thức trọng tâm, liên hệ mở rộng nhằm dạy phân hóa học sinh. Điểm cần bổ sung, rút kinh nghiệm điều chỉnh thêm cho tiết dạy là việc mở rộng, phát triển kiến thức nên ở mức độ vừa phải, căn cứ vào tình hình học sinh để tránh gây “nặng” kiến thức cho học sinh.
Bước 4: Áp dụng cho thực tiễn dạy học hàng ngày.
Sau dự giờ, thống nhất, các giáo viên trong khối đã về áp dụng hình thức, phương pháp là những ưu điểm của hai tiết chuyên đề, đồng thời điều chỉnh những điểm cần khắc phục cho phù hợp với học sinh lớp mình để có những tiết dạy tốt trên ngay chính đối tượng học sinh của lớp.
Việc đổi mới sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ - nghiên cứu bài học đã giúp cho mỗi giáo viên trong tổ đã học hỏi, bồi dưỡng được những kiến thức cần thiết để nâng cao tay nghề . Điều đó góp phần tích cực trong đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng giáo dục, tạo niềm tin cho phụ huynh và học sinh.
Tiết Luyện từ và câu “Từ và câu”của cô giáo Đinh Thị Điều chủ nhiệm lớp 2A1
Tiết Toán “Số bị trừ - Số trừ - Hiệu” do cô Cao Thị Phượng lớp 2A2 thực hiện