Thực hiện kế hoạch của UBND quận Long Biên về
việc tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử địa phương và cho học
sinh tham quan, tìm hiểu cụm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn quận đồng
thời hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời năm học 2017-2018, 14h ngày 06 tháng 10
năm 2017, trường TH Đô thị Việt Hưng tổ
chức cho 245 học sinh khối 3 tham quan tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa
đình Tình Quang - phường Giang Biên và đình, chùa Lệ Mật - phường Việt Hưng.
Đây là cơ hội tốt để cho các em học sinh tìm hiểu thêm về những di tích lịch sử,
danh tướng của quê hương từ đó khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương của các
em.
BGH nhà trường dặn dò HS và chụp ảnh luu niệm trước giờ xuất phát
Háo hức và thích thú
là tâm trạng chung của rất nhiều học sinh có mặt trên chuyến xe ý nghĩa. Đúng
14 giờ 00 phút, chuyến hành trình đưa các em học sinh đến với đình Tình Quang tại
phường Giang Biên. Một trong những ngôi đình đã được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp
hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993.
Điểm
đến đầu tiên của cô và trò nhà trường là Đình Tình Quang
Đình Tình Quang được
xây dựng năm 1676. Đình thờ 3 vị Thành hoàng Vị thần đầu tiên là Lý Bí (Lý Nam
Đế). Người dân Tình Quang đã trực tiếp tham gia vào cuộc khởi nghĩa của Lý Bí,
gắn bó với Lý Nam Đế tới những ngày cuối cùng ở Động Khuất Liêu. Vị thứ 2 là
Đinh Điền - ông cùng với Nguyễn Bặc là những vị thần khai quốc của nhà
Đinh, từng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Vị thần thứ 3 là Lý
Chiêu Hoàng - vị vua nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam và cũng là vị vua
cuối cùng triều nhà Lý. Đình Tình Quang được biết tới là một trong những ngôi
đình ở Hà Nội còn lưu giữa được những giá trị lịch sử, văn hóa có ý nghĩa thông
qua những trang trí kiến trúc đặc sắc của thế kỉ 17.
Qua phần giới thiệu ngắn gọn của đại diện Ban quản
lý di tích đìnhTình Quang, đoàn tham quan có dịp hiểu thêm về các vị thượng,
trung đẳng thần được tôn thờ tại đình như: Lý Bí, Lý Chiêu Hoàng, tướng Đinh Hiền.
Điểm dừng chân thứ 2 trong chuyến tham quan là đình, chùa Lệ Mật
thuộc phường Việt Hưng. Tại đây, giáo viên và các em học sinh đã dâng nén hương
thơm tỏ lòng thành kính tới thành hoàng làng. Cùng với đó, đoàn tham quan đã được
đại diện Ban quản lý di tích của đình giới thiệu về lịch sử ra đời và ý nghĩa của
đình, chùa Lệ Mật, cùng tham quan một số di tích, cổ vật trong đình.
Tương truyền Ở xứ Kinh Bắc, phủ Thuận An, huyện Gia Lâm, xã Lệ Mật
có hai vợ chồng họ Hoàng ăn ở hiền lành, nhân đức nhưng nhà nghèo, muộn con.
Một hôm, Thái bà đến lễ ở chùa Đại Bi, thấy có một tượng đá đứng giữa cửa chùa.
Bà vào thắp hương cầu nguyện xin được một người con trai giống như tượng đá thì
quý hoá vô cùng. Thái bà quỳ lạy trước tượng, rồi trở về nhà. Ít lâu sau, bà có
thai và sinh được một người con trai. Ông bà đặt tên là Quý Công. Năm 16 tuổi,
Quý Công đã trở thành một người giỏi nghề sông nước và bắt rắn.
Vào đời Lý Thái Tông, có một nàng công chúa chơi thuyền trên sông
Thiên Đức, chẳng may bị đắm thuyền, chết đuối. Vua sai quan quân mò tìm suốt cả
đoạn sông vẫn không tìm thấy xác. Nhà vua rất buồn phiền, liền ra chiếu chỉ cho
muôn dân, ai tìm thấy xác công chúa sẽ trọng thưởng.
Ngã ba Nhị Đuống là nơi hợp lưu của hai dòng sông nên lúc nào cũng
có sóng to gió lớn. Việc tìm kiếm đã kéo dài nhiều ngày mà vẫn không có kết
quả. Giữa lúc ấy, Hoàng Quý Công người làng Lệ Mật xin yết kiến nhà vua, đảm
nhận công việc khó khăn này. Với tài bơi lội, thông thạo nghề sông nước, ông
lặn xuống đáy sông Thiên Đức giao đấu với loài thuỷ tặc trong vùng hợp lưu nước
xoáy, tìm vớt được xác công chúa. Ông được vua khen là bậc kì tài, ban tặng
vàng bạc, lụa là, gấm vóc và sắc phong làm “Thái giám nội thị tự khanh”.
Trên đường về kinh đô, đi qua Phúc Quảng Môn - cửa phía Tây thành Thăng
Long, thấy có khu vườn cấm đầy cỏ hoang, cây mọc tốt như rừng, Hoàng Quý Công
trình tấu lên vua, xin khước từ chức quan, trả lại vàng bạc châu báu, lụa là gấm
vóc...chỉ xin vua ban cho khu đất hoang phía Tây kinh thành và đã được nhà vua
ưng thuận. Trở về làng, Hoàng Quý Công chiêu tập dân nghèo, vượt qua Nhị Hà,
sang khu vườn phía Tây kinh thành, phát hoang, sinh cơ, mở nghiệp, lập nên 13
trại – gọi Thập tam trại. Đây là một khu vực rộng lớn, trù phú, giáp với hoàng
thành, được bao bọc bởi Đê La Thành theo tả ngạn sông Tô Lịch, từ Bưởi đến Cầu
Giấy qua Giảng Võ tới Ô Chợ Dừa.
13 trại khai hoang của người Lệ Mật, bao gồm các trại: Ngọc Hà,
Hữu Tiệp, Xuân Biểu, Vĩnh Phúc, Đại Yên, Liễu Giai, Cống Vị, Cống Yên, Thủ Lệ,
Giảng Võ, Hào Nam, Kim Mã, Ngọc Khánh. Ngày nay, trừ Hào Nam thuộc quận Đống
Đa, hầu hết các địa danh này đều thuộc địa phận quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Tại đây, học sinh nhà trường đã được tham quan, tìm hiểu về kiến trúc độc
đáo cũng như lịch sử hình thành của đình Lệ Mật, chùa Lệ Mật và miếu chúa trong
quần thể khu di tích.
Qua chuyến tham quan, các con đã tiếp thu cho
mình những kiến thức bổ ích và lí thú, góp vào hành trang kiến thức của mình về
di tích lịch sử văn hóa địa phương, về truyền thống đấu tranh kiên cường của
cha ông. Đồng thời buổi thăm quan cũng góp phần giáo dục tình yêu nước,
yêu quê hương, từ đó khơi dậy trong các con lòng tự hào và ý thức trách
nhiệm xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh.
Vậy là đã đến giờ lên xe và
trở về trường, kết thúc một chuyến đi, đôi chân dù có mỏi, bờ vai dù có lấm tấm
vài hạt mưa chuyển mùa nhưng cô trò không hề thấy mệt. Trên suốt chặng đường về,
các em vẫn luôn miệng kể cho nhau nghe về chuyến đi, về những điều mình thấy và
đã được trải qua. Nụ cười cứ thế được truyền cho nhau trên suốt chuyến xe trở về.
Một tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời thật thú vị và đầy ý nghĩa với cô trò khối
3.
Ảnh tham quan xem thêm (Tại đây)