Hiện nay, trước những cải cách, đổi mới giáo dục nâng cao chất lượng dạy và học, việc mở rộng kiến thức thông qua việc đọc sách báo có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Song thực trạng học sinh đến thư viện đọc sách, báo với niềm đam mê tìm tòi, học hỏi còn hạn chế. Chủ yếu các em tìm đến các sách mang tính giải trí, học sinh chưa có phương pháp đọc sách, chưa thấy hết giá trị, tầm quan trọng của từng cuốn sách và ảnh hưởng của việc đọc sách báo đối với việc học tập của mình.
Trước sự phát triển của báo hình và Internet, việc đọc sách, báo của các em học sinh bị sao nhãng cộng với việc đọc sách không đúng mục đích, không phù hợp với lứa tuổi như: các em chỉ thích xem tranh xem hình chứ không đọc, không hiểu nội dung sách nói gì. Tất cả những yếu tố trên không những ảnh hưởng trực tiếp đến thể chất mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của các em học sinh. Vậy thư viện phải thu hút bạn đọc bằng cách nào?
1. Nghiên cứu nhu cầu hứng thú đọc để xây dựng vốn tài liệu và tổ
chức phục vụ giáo viên, học sinh trong nhà trường
Ngay từ những ngày đầu tiên thư viện đi vào hoạt động, cán bộ thư viện đã phát phiếu nhu cầu đọc cho giáo viên, học sinh để nắm bắt được nhu cầu đọc. Không chỉ có vậy, cán bộ thư viện còn luôn theo dõi sát sao các hoạt động của Đội cũng như căn cứ và đặc điểm tâm sinh lý của các em học sinh. Qua các phiếu khảo sát nhu cầu đọc, cán bộ thư viện định hướng được việc bổ sung vốn tài liệu phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đọc phần lớn của bạn đọc. Thực tế cho thấy, qua bốn năm học lượt đọc cán bộ thư viện thống kê được theo tuần ngày một gia tăng. Điều đó chứng minh rằng, vốn tài liệu và công tác phục vụ bạn đọc của thư viện đã mang lại hiệu quả tích cực trong hoạt động dạy và học.
2. Xây dựng mạng lưới cộng tác viên thư viện
Để thư viện hoạt động tốt, nhiều bạn đọc đến với thư viện, ngay từ đầu năm học CBTV đã tham mưu cùng với Hiệu trưởng thành lập tổ mạng lưới thư viện. Tổ mạng lưới bao gồm đại diện học sinh của các khối lớp và một số giáo viên chủ nhiệm. Tổ mạng lưới thư viện giúp cán bộ thư viện trong nhiều hoạt động của thư viện mà đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, giới thiệu sách, triển lãm sách, ngày hội đọc sách.
Những thành viên trong tổ mạng lưới là những cộng tác viên tích cực, nhiệt tình, bởi các bạn là những học sinh giỏi, rất uy tín với các bạn mà lại siêng đọc sách và có điều kiện thời gian tiếp cận với bạn nhiều nên những nội dung hay, nội dung cần của sách sẽ đến với bạn đọc một cách nhanh nhất và rộng khắp nhất.
Các bạn cộng tác viên phân loại sách
3. Sáng tạo trong công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo tài liệu thêm phong phú, đa dạng
Thư viện tiến hành giới thiệu sách trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, trong các tiết đọc sách của thư viện. Nhờ thay đổi hình thức này mà thư viện đã thu hút được ngày càng nhiều giáo viên, học sinh đến mượn, đọc sách báo.
Các bạn cộng tác viên giới thiệu sách mới
Ngoài việc tuyên truyền giới thiệu sách, thư viện còn áp dụng các phương pháp tuyên truyền như: diễn kịch theo sách, bài thu hoạch đọc sách, vẽ tranh theo sách. Các hoạt động đó được giáo viên và học sinh trong trường tích cực tham gia và hưởng ứng. Thư viện còn kết hợp tuyên truyền giới thiệu sách trong các buổi tham quan ngoại khóa, các buổi học chuyên đề gắn với chủ đề học tập từng thời điểm.
Thường xuyên tổ chức giới thiệu cho học sinh các cuốn sách có nội dung về các ngày lễ, ngày kỉ niệm lớn như: 20/11, 22/12, 3/2, 3/2, 8/3… để các em tìm hiểu. Đồng thời qua đó giáo dục các em hiểu biết thêm về truyền thống của dân tộc ta qua các ngày lễ.
Mục đích cao nhất của giới thiệu sách là làm cho người nghe thấy được cuốn sách cần thiết cho họ, gây được hứng thú, nhu cầu tìm đọc cuốn sách đó. Nắm được yêu cầu đó, CBTV của nhà trường đã rất chú ý đến việc sáng tạo đưa các đoạn phim tư liệu, hình ảnh sinh động, kết hợp âm thanh hình ảnh, hiệu ứng công nghệ thông tin…đồng thời sử dụng dụng cụ trực quan là các mô hình cuốn sách phóng to minh họa một cách ấn tượng cho bài giới thiệu thêm hấp dẫn và lôi cuốn người nghe.
Các em học sinh xem phim tư liệu
4. Giới thiệu sách theo đối tượng học sinh
Việc tuyên truyền và giới thiệu sách cần phải phù hợp với thực tế nhà trường, nội dung tuyên truyền cần gắn với từng đối tượng học sinh.
Hình thức tuyên truyền, giới thiệu đa dạng phong phú để những quyển sách hay, sách cần kịp thời đến tay học sinh.
Với những năm học trước, CBTV thường giới thiệu sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng của nhà trường, của Liên đội. Nhưng thực tế cho thấy, năm học nào cũng giới thiệu những cuốn sách theo chủ đề lặp lại sẽ không được nhiều hứng thú cho học sinh. Vì thế, CBTV chọn cách xen kẽ vừa giới thiệu sách theo chủ đề, vừa giới thiệu sách theo đối tượng học sinh.
Đối với học sinh lớp 1, 2: các em thích đọc sách có nhiều màu sắc, hình ảnh phong phú đa dạng, thỏa mãn tính tò mò, thích khám phá. Bên cạnh đó, sách còn kèm theo chữ viết nhưng chiếm dung lượng nhỏ giúp cung cấp cho các em kiến thức về thế giới xung quanh.
Đối với học sinh lớp 3, 4: Ở lứa tuổi này các em đang dần ổn định nhu cầu đọc. Nắm được đặc điểm này, cán bộ thư viện nên lựa chọn những cuốn sách mang tính giáo dục đạo đức, những tấm gương tiêu biểu để các em học tập và noi theo. Sách mà các em học sinh lớp 3, 4 hướng đến là các sách nhân vật, danh nhân văn hóa lịch sử, sách khoa học khám phá và các sách nâng cao kiến thức trong chương trình học.
Đối với học sinh lớp 5: CBTV cần chú ý hơn trong việc tuyên truyền giới thiệu sách. Các em khối lớp này đã có nhu cầu đọc tương đối ổn định, tư duy trừu tượng bắt đầu phát triển nên sách lựa chọn để giới thiệu phải là sách có chiều sâu, tư duy logic, cung cấp kĩ năng và mở rộng kiến thức. Loại sách chủ yếu dùng cho học sinh lớp 5 là các sách nâng cao kiến thức, sách giáo dục kĩ năng sống tuổi thiếu niên như sách về cách học hiệu quả, sách về tình bạn, tình cảm gia đình, gương anh hùng, danh nhân…
5. Các hình thức tuyên truyền giới thiệu sách
Tuyên truyền giới thiệu sách, báo trong nhà trường là việc làm rất cần thiết, chiếm vị trí quan trọng trong công tác thư viện. Để việc tuyên truyền sách được nhân rộng, ngoài việc giới thiệu trước toàn trường trong các giờ chào cờ đầu tuần tôi kết hợp việc tuyên truyền với các hoạt động khác của trường.
Hàng tuần, hàng tháng khi có sách báo mới về, tôi đều thông báo trên bảng tin thư viện và phổ biến rộng rãi tới các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và Tổng phụ trách Đội. Từ đó, các giáo viên bộ môn sẽ có dẫn chứng cụ thể trong các tiết giảng của mình để giới thiệu cho các em sự có mặt của cuốn sách trong thư viện và tóm tắt nội dung cuốn sách phù hợp với môn học. Đặc biệt với giáo viên chủ nhiệm, họ sẽ là những cộng tác viên tích cực của thư viện. Trong các giờ sinh hoạt lớp, các tiết ngoài giờ lên lớp sẽ là dịp để các thầy cô giới thiệu tới các em về sách báo của thư viện trường, những cuốn sách hay và bổ ích phù hợp với lứa tuổi mà các em nên đọc và tìm hiểu. Chính giáo viên sẽ là những tấm gương tích cực trong phong trào đọc sách để học sinh học tập. Đây cùng chính là một trong những cách giới thiệu sách mọi lúc mọi nơi mà nhà trường nào cũng có thể làm được.
Bên cạnh đó, CBTV kết hợp với cán bộ Tổng phụ trách Đội trong việc sinh hoạt sao, phát thanh măng non mà giới thiệu sách hay, sách mới đến với các em khi có sách mới về.
Cùng với đó là sự phối hợp của Tổ công tác viên thư viện, những bạn đọc tích cực trong tất cả các hoạt động của thư viện. Các em là những nhân tố giúp sách báo được phổ biến rộng rãi đến các lớp, các bạn của mình.
Đối với các tiết giới thiệu sách trong giờ chào cờ đầu tuần là sự xen kẽ của tất cả các bộ phận trong trường. Giới thiệu sách theo chủ đề có thể do các lớp giới thiệu, do giáo viên bộ môn, tổng phụ trách, cá nhân học sinh và cán bộ thư viện. Sự thay đổi linh hoạt đó sẽ tạo được hứng thú cho bạn đọc mà không gây nhàm chán và lặp lại.
Trong các tiết đọc tại thư viện, CBTV thường giới thiệu cho các em một cuốn sách mới có nội dung bổ ích, từ đó các em vẽ tranh theo trí tưởng tưởng để minh họa cho nội dung sách, sáng tạo bìa sách theo sở thích của các em. Tổ chức thi đua giữa các tổ, các lớp trong khối để nhận phần thưởng là chính cuốn sách đó. Khuyến khích thi đua sẽ tạo được cho các em không khí sôi nổi, ham đọc để phám phá.
Các em vẽ tranh theo chủ đề
Ngoài ra, CBTV còn tổ chức đố vui tên sách mà các em tham gia rất nhiệt tình. Sử dụng một câu tóm tắt nội dung sách hoặc nêu đặc điểm một nhân vật trong sách, cho các em xem đoạn phim thuyết minh và đố các em đoán được tên sách. Như vậy cũng là một cách để điểm lại sách mà các em đã đọc, đồng thời cung cấp thông tin về những cuốn sách các em chưa được đọc. Hình thức này thực sự đã mang lại hiệu quả rất tích cực và được các em nhiệt tình đón nhận.
Đi đôi với việc giới thiệu một cuốn sách hay, CBTV còn cung cấp cho các em những tư liệu liên quan hoặc cùng chủ đề với cuốn sách đó. Ví dụ: Tôi giới thiệu cho các em học sinh lớp 1 cuốn sách “Dế mèn phiêu lưu kí” của nhà văn Tô Hoài, tôi sẽ sưu tầm hình ảnh hoặc đoạn phim về chú dế mèn cho các em xem. Đó cũng là một cách giới thiệu sách đầy lôi cuốn đối với các em nhỏ.
Sau khi đọc xong những cuốn sách trong thư viện, CBTV thường khuyến khích các em viết lại cảm xúc của mình thông qua các bài thu hoạch nêu cảm nghĩ, làm thơ và sáng tác nhạc. Đây cũng chính là kênh thông tin để cán bộ thư viện năm được sở thích và nhu cầu đọc của học sinh, từ đó có phương pháp giới thiệu và xây dựng tài liệu cho thư viện.
Cảm nghĩ của học sinh
CBTV cũng đã cho các em học sinh khối 3, 4, 5 thực hiện viết “Nhật ký thư viện” nhằm mục đích ghi lại cảm nghĩ, cảm xúc về những cuốn sách, đoạn văn, nhân vật mà các em yêu thích. Hơn thế nữa là giúp các em rèn luyện cách viết văn, diễn tả lại sự vật, sự việc các em đã chứng kiến, tiếp xúc góp phần củng cố kiến thức học trên lớp và kĩ năng làm bài văn. Các em chuẩn bị những cuốn sổ tay nhỏ, viết những dòng cảm xúc, suy nghĩ hoặc là những đóng góp, tâm tư của các em khi đến với thư viện.
Nhật ký thư viện của các em học sinh
Cán bộ thư viện không chỉ là những người giữ sách mà sẽ phải là người đưa giáo viên, học sinh những bạn đọc của thư viện tiếp cận với sách vở, từ sách vở khám phá những lĩnh vực mới, tri thức mới. Vậy làm sao để làm được điều đó? Trước tiên chúng ta hãy làm tốt công tác tuyên truyền giới thiệu sách – một hoạt động không thể thiếu trong thư viện và đòi hỏi ở mức độ yêu cầu cao. Đây cũng là một trong những nội dung chính của công tác phục vụ bạn đọc của bất cứ một thư viện nào. Giới thiệu tới bạn đọc một cuốn sách hay đồng nghĩa với việc tặng cho họ một thứ quý giá. Bạn đọc tích cực đến với thư viện, điều đó đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin, chủ động sáng tạo trong công việc của người làm công tác thư viện để góp phần cùng với nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh một cách toàn diện.
Các bạn học sinh hăng hái trong tiết đọc sách