Sáng thứ sáu ngày 19/10/2018, trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng đã tổ chức cho học sinh khối 3 tham gia hoạt động ngoại khóa trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức về di tích lịch sử địa phương qua buổi tham quan đền Trấn Vũ – phường Thạch Bàn và đình Thổ Khối– phường Cự Khối.
Đúng 8h30 phút các em đã có mặt tại điểm tham quan đình Thổ Khối thuộc phường Cự Khối, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình Thổ Khối – Cự Khối – Long Biên
Đến nơi đây, thầy và trò Trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng như được hòa mình vào bầu không gian yên bình, trong lành và dịu mát của thiên nhiên giữa tiết trời thu. Ở đó các em được cụ từ giới thiệu: Đình Thổ Khối được xây dựng từ rất lâu. Di vật cổ nhất ở đình là bản sắc phong niên hiệu Vĩnh Khánh 2. Đình đã qua nhiều lần trùng tu, các tấm bia đá ở đình cho biết một số năm trùng tu là cảnh Hưng 46 (1785), Minh Mệnh 3 (1822), Minh Mệnh 18 (1837). Năm Quý Mùi (1833) sửa chữa đại dinh, năm Bính Tuất (1886) chữa hậu cung. Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc, nghệ thuật ngày 9/01/1990.
Ngôi đình là nơi thờ 6 vị thành hoàng làng là: Bố Cái đại vương, Cao Sơn đại vương, Linh Lang đại vương, Bạch Đa đại vương, Dị Mệ đại vương và Đào thành hoàng.
Sau khi làm lễ dâng hương các em đã được các cô giáo nhà trường hướng dẫn thăm quan quần thể kiến trúc đình Thổ Khối bao gồm: 7 gian tiền tế, 5 gian 2 chái đại đình, 3 gian cung ngoài, 3 gian cung cấm là các dãy nhà nằm song song với nhau và nối với nhau bằng ống muống, thiêu hương và đặc biệt các em còn được chiêm ngưỡng 67 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn.
Tạm biệt đình Thổ Khối với nghệ thuật trang trí phong phú, trên kiến trúc và di vật thầy và trò chúng tôi đến với ngôi đền Trấn Vũ thuộc Phường Thạch Bàn - Quận Long Biên - Thành phố Hà Nội.
Đền Trấn Vũ – phường Thạch Bàn
Tại đây ai cũng ngỡ ngàng khi được chiêm bái bước tượng đồng liền khối tạc Huyền Thiên Trấn Vũ được thờ trong đền. Huyền thoại Trấn Vũ được thờ ở nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội: có Trấn Vũ Quán ở Quán Thánh (quận Ba Đình), Huyền Thiên Đại Quán ở Thụy Lâm (Đông Anh), đền Trấn Vũ (Thạch Bàn) và Huyền Thiên Cổ quán (phường Đồng Xuân). Tuy nhiên chỉ có đền Quan Thánh (Ba Đình) và đền Trấn Vũ (Thạch Bàn) có đúc tượng đồng liền khối để thờ. Đây là pho tượng vừa có giá trị về mặt mỹ thuật vừa thể hiện kĩ nghệ truyền thống đúc đồng của cha ông ta. Ngoài ra các em còn được tìm hiều về sụ tích tại Đền Trấn Vũ - Thạch Bàn được khắc trên bia đá từ năm Mậu Thìn (1928) kể rằng Huyền Thiên Thượng Đế vốn là một hoá thân của Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần, tu theo đạo phật và đắc đạo Ngọc Hoàng Thượng Đế ra chiếu phong Ngài làm Vạn pháp Giáo chủ cai quản Tả ban, Huyền Cai Đại Tướng Hữu ban quan thánh đế quân cùng 36 viên thiên tướng tùy tùng giúp việc lại còn được phong hiệu là Huyền Thiên Thượng Đế Đăng Ma Thiên Tôn vô lượng thọ phật, Ngọc Hoàng còn ban cho kim ấn vương hư sứ tướng, một thanh kiếm tam thai thất tinh 500 viên linh đan. Ngọc Hoàng Thượng Đế ra sắc chỉ phái Ngài trần để thu trừ yêu quái các sơn thủy động. Đặc biệt, các em còn được tham gia một trò chơi thú vị thường diễn ra trong lễ hội đền Trấn Vũ.Đó là trò chơi kéo co truyền thống với tư thế ngồi, trò kéo co bằng cây song to luồn qua cây gỗ dựng đứng. Thông qua đó, các em hiều cách người xưa thể hiện sức mạnh trần gian để trị thủy, hình tượng ấy nhằm gợi ý thần linh ban niềm hạnh phúc đến với con người từ những giá trị về lịch sử văn hóa.
Cô, trò trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng thắp nén hương tỏ lòng thành kính với các vị thần trong Đền Trấn Vũ
Kết thúc chuyến tham quan, thầy và trò trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng ra về mang theo những cảm xúc trân quý và biết ơn đến các vị anh hùng đã mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân. Trong mỗi các em dường như ai cũng có suy nghĩ phải học tập và rèn luyện thật tốt để xứng đáng với những cống hiến và hi sinh lớn lao của các danh nhân và anh hùng dân tộc.
Một số hình ảnh được ghi lại trong buổi học ngoại khóa