“Ngày đầu tiên đi học” là sự kiện thiêng liêng nhưng cũng đầy ám ảnh, đặc biệt với những gia đình có con đầu lòng vào lớp 1. Lo quá hóa thừa, liệu các bậc phụ huynh có đang vô tình đặt “gánh nặng” lên con trẻ vốn dĩ hồn nhiên, vô tư?
Học trước, biết trước sẽ tốt cho con?!
Đặt nhiều kỳ vọng vào năm học đầu tiên, chị Thảo Nguyên (30 tuổi, ở Gò Vấp) lo sợ con chưa biết chữ khi đến trường sẽ chậm hơn bạn bè, tạo tâm lý tự ti ở các năm học sau. “Thời mình vào lớp 1 mới bắt đầu học abc, vậy mà các bé bây giờ đã đọc khá ổn trước khi vào trường tiểu học. Mình không muốn tạo áp lực cho con nhỏ nhưng tự con sẽ thấy điểm khác biệt khi bạn bè ai cũng đọc chữ làu làu.” - chị chia sẻ.
Theo các chuyên gia giáo dục, chiến lược học trước, biết trước trước mắt đem lại kết quả cao, nhưng về lâu dài đó là sai lầm. Nhiều khảo sát thực tế cho thấy khi con bắt đầu vào học lớp 1, thầy cô đều dạy từ đầu, con phải học lại tất cả kiến thức cũ gây tụt giảm hứng thú, nhàm chán, thậm chí có trẻ bày tỏ thái độ chủ quan, tự kiêu, làm ảnh hưởng đến thái độ học tập sau này. Vậy nên điều cần làm ở cha mẹ không phải là “rào trước” kiến thức, mà là trang bị cho con một số kỹ năng cần thiết khi chuyển tiếp môi trường từ vui chơi là chủ động ở bậc mầm non sang môi trường học là chủ đạo ở Tiểu học. Qua đó, các con có thể hoà nhập và giữ vững được sự tò mò, hứng thú trước kiến thức mới. Những kỹ năng thích nghi với môi trường mới rất cần thiết nhưng người lớn thường quên hướng dẫn con như: làm quen với bàn ghế kiểu “người lớn”, tập đi ngủ và thức dậy đúng giờ, học cách ngồi ngay ngắn, cầm bút viết, xin phép phát biểu hoặc đi vệ sinh, giữ gìn dụng cụ học tập...
Sai lầm thứ hai mà phụ huynh thường mắc phải là “chạy trường”. Xuất phát từ tâm lý muốn gửi gắm con cho thầy cô giỏi, chị Quế Phương (28 tuổi) ở quận 10, TP. HCM chia sẻ: “Các phụ huynh đều nhắm sẵn một số trường danh tiếng, một số thầy cô giỏi để trăm phương ngàn kế “chạy” xin cho con vào lớp “chọn”. Nhưng đâu phải mình muốn là được, tôi hơi lo”.
Về tiêu chuẩn giáo viên Tiểu học, ông Trương Minh Châu Giám đốc Đào tạo iSMART Education cho rằng: “Giáo viên tốt không chỉ là là giáo viên giỏi chuyên môn, mà còn là người thầy cô thân thiện, hiểu tâm lý và và có phương pháp phù hợp. Đặc biệt ở độ tuổi 6-7, trẻ chưa có đủ sự tập trung cần thiết trong tiết học cũng như mới bắt đầu tiếp cận với việc tư duy trừu tượng; do đó, phương pháp giảng dạy cần trực quan và tạo ra sự hào hứng ở trẻ. Thầy cô với khả năng thu hút sự chú ý của học sinh và làm lớp học vui nhộn, khơi gợi tò mò sẽ giúp trẻ chủ động tham gia giờ học trên lớp, yêu thích việc học, thay vì coi đó là nhiệm vụ”.
Để con đến trường không tiếng khóc
Đẩy con vào vòng tay cô giáo rồi chạy lẹ, nhiều phụ huynh đã mắc sai lầm cơ bản đó, kết quả là con khóc thét một góc trời. Những cách hành xử khác như bịn rịn “chia tay”, phụ huynh thập thò ngóng con từ ngoài cổng đều khiến tình hình không khá hơn. Ba mẹ nào cũng muốn con không khóc nhưng quên mất con chắc chắn phải sốc, bỡ ngỡ, lo lắng khi bị “quăng” vào môi trường hoàn toàn xa lạ.
Hiểu đặc tính tâm lý này, nhiều trường Tiểu học tại TP.HCM và các tỉnh thành thực hiện loạt chương trình Chào bé đến trường như một hình thức cha mẹ cùng con làm quen trường mới một cách lý thú và hấp dẫn trực quan (như trường TH Hiệp Tân, Lê Lai, Tô Vĩnh Diện, Tân Sơn Nhì, Tân Thới, TH Võ Thị Sáu, Trương Định, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Ngô Quyền…).
Cụ thể, trẻ mầm non chuẩn bị vào lớp 1 được tham quan trường lớp, làm quen tiếng Anh qua trò chơi vận động, chứng kiến các hiện tượng Khoa học đầy màu sắc, từ đó háo hức vào ngôi trường mới. Nhờ vậy, ngày khai giảng hay ngày đầu tiên đi học trở nên thân thuộc và đầy cảm hứng.
Để chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho con, các chuyên gia tâm lý đề xuất phụ huynh học cách lắng nghe và chia sẻ với con suốt thời gian hè trước khi vào lớp 1. Cha mẹ nên nhắc đến trường Tiểu học bên mâm cơm gia đình, cùng xem phim hoặc đọc cho con nghe những mẩu chuyện hay về “ngày đầu tiên đi học” với tâm lý tích cực… Tất cả nhằm gieo mầm cảm xúc cho con nhỏ có hình dung hay ho về nơi mình còn bỡ ngỡ.