Nơi những đỉnh núi có tự bao giờ
Trang cổ tích sáng ngời câu huyền thoại
Nơi làng Cháy vó ngựa còn in mãi
Tre đằng ngà óng như lụa tằm tơ.
( Trích “Sóc Sơn tình đất tình người”)
Bốn câu thơ trên là những vần thơ đẹp viết về mảnh đất Sóc Sơn với những rặng tre đằng ngà đi vào sử sách và đáng quý hơn đó là mảnh đất của những trang cổ tích huyền thoại mà tiêu biểu nhất chính là Thánh Gióng. Từ ấu thơ, hình tượng Thánh Gióng đã in sâu vào tâm trí của con người Việt Nam, đặc biệt là các đền, miếu thờ cúng, các bài hát, lễ hội. Với mục đích giúp cho các em học sinh hiểu thêm về người anh hùng Thánh Gióng, về công cuộc chống giặc ngoại xâm của cha ông ta và nhằm trang bị cho các em những hiểu biết và kĩ năng sinh tồn trong cuộc sống, ngày 18 tháng 4 năm 2018 trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng đã tổ chức cho các em học sinh hành trình đến với di tích lịch sử Đền Gióng và khu du lịch sinh thái bản Rõm ( Sóc Sơn - Hà Nội).
Đúng 7 giờ 30 phút đoàn xuất phát trong thời tiết rất đẹp của những ngày cuối xuân. Các em học sinh háo hức trước một chuyến đi đầy thú vị, tiếng í ới, cười đùa vang rộn trên đường. Sau gần một giờ đồng hồ, đoàn tham quan đã dừng chân đầu tiên tại khu di tích lịch sử Đền Gióng. Đền nằm trên dãy núi Mã, trong vòng cung Tam Đảo, đây là nơi được cho là tích tụ mọi linh khí của trời đất. Tại quần thể di tích Đền Gióng, cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng đã làm lễ dâng hương nhằm thể hiện sự tôn kính cũng như niềm tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân năm xưa.
Đến với đền Gióng các em được tận mắt chứng kiến sự uy nghiêm, trầm mặc, tĩnh lại của không gian một ngôi đền nghìn năm tuổi. Các câu chuyện về Thánh Gióng và các vị thần cùng ra sức đánh giặc trong lúc đất nước đang cơn nguy biến đã để lại những cảm xúc khó tả cho thầy và trò trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng . Đặc biệt những di chỉ còn sót lại và những dấu vết thuở nào: ao nước không cạn, những bụi tre tương truyền giúp Gióng đánh tan quân xâm lược đã khắc sâu thêm những kiến thức của bài giảng trên lớp. Về với Đền Gióng, về với chốn linh thiêng, tôn thờ vị anh hùng của dân tộc, thầy và trò nhà trường càng thêm trân trọng những giá trị lịch sử, càng thêm hiểu thêm yêu mỗi cảnh sắc quê hương mình.
Tiếp theo của lịch trình, đoàn tham quan lên xe đến với khu du lịch sinh thái bản Rõm, cách đền Sóc 5 km. Vừa bước chân xuống xe, ai nấy cũng đều cảm nhận được không khí trong lành nơi đây. Các em học sinh theo anh chị hướng dẫn viên về khu cắm trại của lớp, rồi nô đùa chạy đuổi nhau dưới những tán cây thông rợp bóng mát. Không khí thật trong lành, mọi người như được hòa mình với nắng, gió, đắm chìm trong sự tự do nơi núi rừng và thư giãn sau những ngày học tập mệt mỏi.
Trong nháy mắt, dưới sự hướng dẫn của các anh chị ở khu sinh thái bản Rõm ( đặc biệt là anh MC hài hước) các em học sinh được chia thành 7 nhóm. Tại đây các em tham gia vào các hoạt động Team building tại khu vực sân khấu chính với thảm cỏ nhân tạo xanh mướt. Chỉ một tiếng hô của MC mà thi nhau xếp hàng nhanh nhất, thẳng nhất. Cũng chưa khi nào thấy các em đoàn kết, yêu thương nhau đến thế trong những trò chơi phối hợp đồng đội: kéo co, lấy nước, thổi bóng bay, nhảy bao bố, đi dép gỗ… cây cầu treo lắt lẻo làm nhiều bạn đi lấy nước loạng choạng và thế là…đồng đội đứng ở cuối cây cầu “ ướt mèm”. Nhưng ai cũng cười, cũng la hét, cổ vũ, đội thắng, đội thua không còn quan trọng. Thế mới biết tình đoàn kết kì diệu làm sao, nó giúp các em xóa mọi ganh đua, xích mích trẻ con để lại gần nhau hơn, nó biến những ánh mắt giận dữ thành ánh mắt vui tươi, hiền hòa.
Sau rất nhiều hoạt động, các em tuy thấy mệt nhưng gương mặt ai cũng vui vẻ, rạng rỡ. Đúng 11h cả đoàn đi ăn trưa, mùi hương của thức ăn tỏa ra thơm ngát từ mâm của mỗi nhóm, ai cũng ăn rất ngon miệng. Ăn xong các em tản ra chơi tự do với các hoạt động như bắt cá hay chơi trò chơi dân gian hoặc ném bóng nước, có em về lán nghỉ để chuẩn bị cho các hoạt động trải nghiệm thú vị buổi chiều.
Đúng 2h chiều, từng tốp học sinh theo các anh chị hướng dẫn viên đi khám phá và trải nghiệm các kỹ năng sống. Trải nghiệm sôi động nhất là “ ngụy trang tránh thú dữ”, các em được học cách ngụy trang bằng lá cây, bằng đất, bằng dây rừng…mỗi học sinh đều rất hào hứng tham gia, sau một khoảng thời gian quy định, sản phẩm của các em vô cùng độc đáo, không ai nhận ra được đây là bạn nào, không khí náo nhiệt cùng những tiếng cười, vỗ tay, tiếng nhạc cứ thế bay theo lên cao mãi, khắc sâu vào lòng mọi người những ký ức bên nhau vô cùng đẹp đẽ.
Sau ngụy trang tránh thú dữ là trải nghiệm leo núi, các em nắm chặt lấy tay nhau, len lỏi, bám trụ trên từng khúc đường. Nhưng ngoài những cô cậu đi rất cẩn thận, dò từng bước một thì bên cạnh đó cũng có vài “ thành phần” tận dụng tối đa sức khỏe và sự dẻo dai của mình cho việc trượt xuống. Nhìn những bạn ngã quay đơ vì trượt chân và phải bám vào các thân cây, không ai nhịn được mà đều ôm bụng cười.
Trong khi có nhóm đang leo núi thì dưới chân núi một nhóm đang được hướng dẫn chơi trò làm cáng cứu thương. Với hai chiếc gậy cứng, các em nhanh chóng buộc tấm bạt để làm thành một chiếc cáng chắc chắn. Các “ bệnh nhân” thi nhau ngồi lên cáng để được các nhân viên y tế đưa về đích. Ở góc kia, một nhóm học sinh đang được hướng dẫn để ga-rô vết rắn cắn - một kỹ năng quan trọng để cứu tính mạng của chính mình khi đi vào những khu rừng rậm, thật đơn giản nhưng không mấy ai biết, các em trầm trồ hiểu ra nhiều điều bổ ích. Trong khi đó, tại một góc khác, một nhóm đang được các anh chị hướng dẫn cách vượt qua bãi mìn an toàn, cách lấy những hòn đá, đất nặng thay thế sức nặng của đôi chân và bước nhanh, nhẹ nhàng qua bãi mìn giả định. Bên cạnh đó, các em còn được học cách lọc nước ở rừng để uống, cách nhóm lửa sưởi ấm và làm chín thức ăn, cách phân biệt các loại quả độc… đây là những kỹ năng sinh tồn rất cần thiết đối với các em khi chẳng may bị lạc trong rừng sâu.
Sau một chuỗi các hoạt động, các em nhanh chóng trở về nơi tập kết để lên xe ra về. Dường như còn hưng phấn với các hoạt động, trên xe nhiều bạn vẫn nói cười rôm rả như không hề biết đến sự mệt mỏi.
Mỗi chuyến đi là một ngày để học, để mở rộng thêm vốn kiến thức đã có của mình, đến với khu di tích Đền Gióng và khu du lịch sinh thái bản Rõm đã cho các em học sinh thêm những trải nghiệm tuyệt vời. Buổi tham quan thực sự trở thành một hoạt động học tập, trải nghiệm đầy ý nghĩa. Không chỉ được tìm hiểu về thiên nhiên, môi trường, các em học sinh trường Tiểu học Đô Thị Việt Hưng còn có thêm những kiến thức lịch sử bổ ích, được trải nghiệm các kỹ năng để sinh tồn. Sự thông minh nhanh trí trong các tình huống còn giúp các em thêm gắn kết, tăng tinh thần đồng đội, đoàn kết và sống vui vẻ, mạnh khỏe.
Chuyến đi đã diễn ra an toàn và thật nhiều cảm xúc. Hy vọng rằng sau chuyến đi này, các em sẽ có thêm động lực để học tốt hơn, tin tưởng vào chính mình để vượt qua những thách thức phía trước trong học tập và cuộc sống, nâng cao hơn nữa lòng tự hào về truyền thống yêu nước anh hùng của cha ông ta.
Sau chuyến dã ngoại, đã có rất nhiều các bạn nhỏ bày tỏ cảm xúc, chia sẻ với gia đình, thầy cô và bạn bè:
Một số hình ảnh về buổi trải nghiệm: