“Vùng an toàn” (comfort zone) là thuật ngữ chỉ một trạng thái tâm lý trong đó mọi thứ cảm thấy quen thuộc với một người và họ thoải mái kiểm soát môi trường của họ, trải qua mức độ lo lắng và căng thẳng thấp. Tuy nhiên, nếu cứ ở mãi trong vùng an toàn, con người sẽ thiếu tính cạnh tranh, luôn có cảm giác sợ cái mới và không dám thay đổi.
Khoảnh khắc con trẻ bước ra khỏi vùng an toàn là lúc con bắt đầu phát triển nhanh các kỹ năng sẵn có và bổ sung thêm các kỹ năng mới, rèn luyện sự tự tin và quyết đoán. Bằng cách cung cấp cách thức và hỗ trợ con thử những trải nghiệm mới và tạo năng lực xây dựng sức bật, cha mẹ đã và đang cung cấp cho con nguồn bảo trợ quan trọng nhất mà trẻ cần khi bước vào thế giới tương lai.
Làm thế nào để trẻ bước ra khỏi “vùng an toàn”?
Cha mẹ có thể hướng dẫn con bước ra khỏi vùng an toàn theo nhiều cách và trên nhiều phương diện.
Lý do lớn nhất giữ con quẩn quanh mãi trong “vùng an toàn” chính là sự sợ hãi. Do đó, cha mẹ cần khuyến khích con đặt những bước chân đầu tiên đến “vùng sợ hãi” đó. Ví dụ, nếu con sợ tiếp xúc với người lạ, cha mẹ nên đăng ký cho con tham gia các hoạt động tập thể như đá banh, tập múa…Thời gian đầu, có thể con sẽ cảm thấy khó chịu nhưng dần dà, con sẽ vượt qua được cảm xúc đó và trở nên dạn dĩ hơn.
Con trẻ thường sợ đưa ra quyết định sai, khác với ý kiến của người lớn. Vì vậy, chúng ta nên tạo cơ hội để con đưa ra quan điểm cá nhân. Dù ý kiến của con có thể sai, cha mẹ nên lắng nghe, tìm hiểu lý do mà con đưa ra; sau đó, yêu cầu con lắng nghe ý kiến của người đối diện. Thường xuyên cùng con thảo luận một vấn đề là một trong những cách tốt nhất để giúp con thoát khỏi “vùng an toàn” và những “sự sắp đặt có sẵn”.
Được coi là một xã hội thu nhỏ, trường học sẽ là nơi lý tưởng để trẻ bắt đầu học cách thoát ra khỏi vùng an toàn. Tại lớp học, thay vì học thuộc đến khi nhớ nội dung, thầy cô có thể cho trẻ học theo dự án (project - based learning) - vận dụng các kiến thức đã học vào thực hành. Ví dụ, với bài số đếm từ 1 đến 10 của khối lớp một, các bạn học sinh đã tự sáng tạo cách đếm của mình với những chú sâu đáng yêu có 10 đốt trên cơ thể. Điều này không chỉ giúp học sinh hiểu bài trong khi không cần học thuộc lòng “như một cái máy”, mà còn kích thích sợi dây sáng tạo.
Như vậy, chỉ với một vài thay đổi nhỏ trong cách tiếp cận, các bạn học sinh đã có thể chủ động nắm bắt kiến thức. Đây là bước đệm cho việc hình thành tư duy độc lập cũng như thoát khỏi “vùng an toàn” vô hình - một khuôn khổ có sẵn do cách học thụ động tạo ra.
Khi đã biết cách xử lý những kiến thức và bài học trong cuộc sống một cách khoa học, logic và có thể sử dụng chúng một cách linh hoạt, các con sẽ tự tin hơn trong việc bước ra khỏi “vùng an toàn”. Cha mẹ không cần phải lo lắng rằng con mình còn quá non nớt mà giữ con mãi trong vòng tay gia đình.